Wednesday, February 24, 2016

An-nam đặc tính cần-lao #3 - Bỉm sữa khóc mướn


Nhân việc con Hát khoác tay chồng của con Vanh dạo chợ huyện, đám vàng vẩu làng Đọ bàn tán xôn xao xôn xao. Từ quán nước nhà bà Béo đến gốc đa đầu làng.
Đám váy đụp bỉm sữa túm tụm đầu ngõ ngồi lê mách lẻo, chuyện bé xé ra to, nâng lên tầm đạo đức làng, thương vay khóc mướn ồn ã.

Đám con Hóng con Hớt hổ báo cáo chồn nhứt, chửi con Hát là đồ nọ con kia kinh khủng lắm. Con Hóng lôi vạt váy chấm nước mắt rằng bà thương con Vanh quá đy mất, cùng phận đờn-bà cả, tiên nhưn cái con Hát kia. Con Hớt vén váy đến bẹn, chống nạnh hai tay hùng hổ tuyên bố với đám bỉm sữa rằng con Hát này mà đi với chồng bà thì mà là...

Thằng Phu chồng con Hớt đi cày về, thấy nhà cửa lạnh tanh, cơm canh chưa nấu, đám trẻ lê la đầu sân bốc cứt gà sáp trét mặt nhau, cấu chí uýnh nhau ỏm tỏi.
Được lúc thấy con Hớt le te cắp nón về, liền quát: - Mày đi đâu mà cơm nước chưa có, để nhà cửa con cái như thế này?
Con Hớt lanh chanh: - Úi, anh không biết chuyện gì à? Cả làng đương bàn tàn xôn xao chuyện con Hát với chồng con Vanh. Khốn nạn khốn nạn. Vào tay em thì em cho nó biết...
Thằng Phu gầm lên: - Cái đcm nhà mày, việc nhà chúng nó chưa tỏ, ngoài ngõ chúng mày đã thông. Chỉ hóng hớt chửi rủa là giỏi. Tiên sư mày, nhà cửa con cái như thế này mà mà đi ngồi lê mách lẻo thương vay khóc mướn à? Thân mày còn lo chưa xong, mày lo được cho ai? Có vào bếp nấu cơm, dọn nhà, tắm cho con không thì bảo? Ông là ông vả cho sưng mồm rồi lót tay lá chuối mang sang trả cho bố mẹ mày ngay và luôn. Tiên sư nhà mày nhá.
Con Hớt sụt sịt: - Em xin em xin, để em làm ngay làm ngay, đừng đánh đừng đuổi em hu hu...

Đồ Gàn đi ngang, nghe thấy than rằng: - Đúng là ốc chả lo nỗi thân ốc, lại lo cọc mọc rêu. Hơn người ta thì đã đành, đằng này tốt đẹp gì mà đi chê bai, thương vay khóc mướn cho người khác. Khổ!

© 2016 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

Đọc thêm:
- An-nam đặc tính cần-lao #2 - Xứ sở thiếu thốn
- An-nam đặc tính cần-lao #1 - Não trạng hướng dương
- Nước mắt và sự bất công

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!