Saturday, August 22, 2015

Giáo dục thời rúc rào (#7): Vỡ trận tuyển sinh đại học 2015 (2)


VỠ TRẬN VÀ NÚT THẮT Ở BỘ DỤC

1. Có người hỏi: Tại sao lại gọi là vỡ trận? Gọi thế bởi lẽ bắt gần triệu thí sinh và kèm theo nhiều triệu phụ huynh chơi "chứng khoán" để đậu đại học là việc "vô tiền khoáng hậu" của bộ Dục kể từ năm 1945 đến nay.

2. Bộ nói là cải tiến, cải cách,... nhưng lại vẫn ôm khư khư cái quan điểm "tôi là bộ, tôi phải chỉ đạo" khiến các trường rối như canh hẹ, dẫn đến cả quá trình tuyển sinh cũng rối như canh hẹ. Tư duy "ôm việc" của bộ Dục (và nút thắt là Cục Khảo thí và ĐBCLGD) đã khiến vụ "vỡ trận" này "thành công tốt đẹp".

3. Nếu thực sự bộ Dục muốn cải cách với nhận thức một kỳ thi 3 chung và xét tuyển bằng tổ hợp điểm chung của bộ thì bắt buộc phải dùng phương thức tuyển sinh tập trung online tôi đã biên ở bài trước. Và anh Ga - phó thượng thư bộ Dục đã xác nhận rằng Bộ đã chuẩn bị như thế, nhưng lại không làm.

4. Nếu bộ không làm được điều đó thì phải để cho các trường tự chủ trong tuyển sinh. Dữ liệu thí sinh từng trường tự thiết lập, và thí sinh được chọn trường, chọn ngành chứ không phải chọn cách để đỗ và không còn tư duy mình thích ngành gì? Mình chọn ngành gì? như một stt của GS Hà Huy Khoái mà tôi rất đồng tình dưới đây:
NGUYỆN VỌNG GÌ?
Mấy hôm nay, cả xã hội nháo nhào chuỵện nộp-rút “nguyện vọng” của học sinh. Tôi không có ý định bàn về việc tổ chức kỳ thì, các quy định, vì chẳng có thông tin gì.
Chí một điều thấy đáng lo: hình như hầu hết học sinh KHÔNG CÓ BẤT KỲ NGUYỆN VỌNG GÌ cho nghề nghiệp tương lại của mình.
Chỉ có nguyện vọng duy nhất: đỗ đại học, và đỗ đúng trường tương ứng với điểm. Không có nguyện vọng làm kỹ sư, bác sĩ, nhà buôn, nhà nông, nhà khoa học gì hết. Chỉ lo sao nếu điểm mình là 18 thì không ghi vào trường điểm chuẩn 19, vì sẽ rớt. Nếu điểm mình 23 cũng không ghi vào trường điểm chuẩn 19, vì “phí” 4 điểm. Phải tìm trường điểm chuẩn 23, tệ lắm cũng 22,5.
Hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT rồi mà không thực sự thích một nghề nghiệp gì, đó có thể là một trong những vấn đề lớn nhất của giáo dục.
Có lẽ vì không học cái gì cẩn thận nên không thích cái gì chăng?
(Copy từ FB GS Hà Huy Khoái)
Nói thêm là các trường hoàn toàn có thể chủ động xây dựng phần mềm để thực hiện thao tác tuyển sinh của mình (nếu không sử dụng cơ sở dữ liệu chung của bộ). Năm nay trường tôi đã sử dụng phân mềm bên bộ môn công nghệ thông tin viết để loại các hồ sơ ảo như anh Long - trưởng phòng Khảo thí đã phát biểu trên báo chí. Thế nên nếu bộ không ôm việc thì các trường hoàn toàn có thể tự chủ xử lý được. Và sẽ không còn chuyện "rút ra, rút vào" dẫn đến "vỡ trận" như vừa qua.

5. Tôi không hiểu tại sao "tuyển sinh đại học" là một vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm, liên quan đến cả triệu thí sinh là tài năng của đất nước lại để cho mình Cục Khảo thí kiểm soát để dẫn tới việc "vỡ trận" và phát sinh các câu nói ấn tượng như của anh Luận "Thí sinh phải lo lắng để trưởng thành hơn" hay của anh Ga "Năm đầu tiên tập dượt đổi mới". Chắc chắn rằng, đại đồng cần-lao An-nam đều cho rằng đây chính là "lợi ích nhóm" mà bộ Dục cố tình tạo ra trong kỳ thi này.

6. Có ý kiến trên mạng cho rằng, nên mời anh Châu (GS Ngô Bảo Châu - ĐH Chicago) về làm thượng thư bộ Dục. Nếu nói vui thì không sao, còn nói thật thì cực nhảm. Anh Châu có làm vào mắt nếu quan điểm chỉ đạo vẫn là: Lấy triết lý giáo dục của An-nam là Nghị quyết 29.

7. Chả cần anh Châu về làm bộ trưởng, cho tôi thay anh Trinh làm cục trưởng Cục khảo thí và cho tôi toàn quyền trong việc tuyển sinh. Với phương thức tuyển sinh mà tôi đã nêu, các trường đại học chỉ việc đi nghỉ mát đến ngày nhận danh sách thí sinh, và xã hội sẽ bình yên như chưa bao giờ có việc tuyển sinh đại học diễn ra.

8. Nhưng chắc chắn rằng, vài trăm năm nữa thì anh Châu mới có cơ hội làm thượng thư bộ Dục ở xứ An-nam. Và cũng ngần đấy thời gian, tôi mới có cơ hội thay vị trí của anh Trinh. Trong một xã hội kim tiền như thế này, người ta cần những kẻ vận hành trơn tru quỹ đạo chứ cần đếch gì mấy thằng tài.

9. Nếu cần-lao còn thắc mắc là: "Tại sao lại cứ đưa con em của các vị ra làm chuột bạch" thì hãy nhớ lại lời của cô người mẫu đồ lót Ngọc Trinh: "Không có tiền thì cạp đất mà ăn à".

10. Hết! (của phần này)

© 2015 Baron Trịnh
Nguồn hỉnh ảnh: Sưu tầm trên internet.

Bài cùng chủ đề:
- Giáo dục thời rúc rào (#1): Ông bộ trưởng và triết lý giáo dục
- Giáo dục thời rúc rào (#2): Mỵ Châu là ai
- Giáo dục thời rúc rào (#3): Tư duy cải cách
- Giáo dục thời rúc rào (#4): Thạc sĩ tại chức - tiến sĩ online
- Giáo dục thời rúc rào (#5): 35.000 giáo viên thất nghiệp - vì sao?
- Giáo dục thời rúc rào (#6): Vỡ trận tuyển sinh đại học 2015 (1)

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!