Thursday, February 27, 2014

Có nên đổ hết trách nhiệm lên đầu bác sỹ?


Vấn đề nhức nhối về chuyên môn và y đức của ngành Y tế trong thời gian chưa thấy dấu hiệu giảm. Các vụ việc liên quan đến tiêu cực của các bệnh viện từ trung ương đến địa phương, những cái chết thương tâm của bệnh nhân vẫn xảy ra hàng tuần.
Gần đây nhất là vụ việc hai mẹ con sản phụ tử vong tại bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Người nhà sản phụ cho rằng, nguyên nhân tử vong là do các bác sỹ tắc trách. Đỉnh điểm của vụ việc là gia đình sản phụ và hàng nghìn người dân bao vây bệnh viện, chở quan tài đi diễu phố, và đập phá nhà riêng của phó giám đốc bệnh viện.
Hầu hết các vụ việc, báo chí và người dân đổ hết trách nhiệm lên đầu bác sỹ. Vẫn biết, sự suy thoái y đức không còn chỉ ở một vài “con sâu” trong bệnh viện nữa. Mà đã trở thành “phong trào” như phát ngôn của nhiều quan chức cao cấp tại nghị trường lẫn bình luận của báo chí.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận đầy đủ nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ việc nêu trên dưới góc độ bệnh viện, bệnh nhân và công tác quản lý y tế.

Hạ tầng và chuyên môn
Có lẽ, ngoài những bệnh viện trung ương và một số bệnh viện lớn của các thành phố. Hầu hết các bệnh viện cấp tỉnh, huyện đều trong trạng thái thiếu hụt về trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh.
Theo thống kê ngân sách quốc gia năm 2012. Tổng chi ngân sách của ngành Y tế là 5.168.710 triệu đồng, nhưng chi đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 1.112.500 triệu đồng (chiếm khoảng 21,5% tổng chi).
Tính đến hết năm 2012, Việt Nam có 1.733 bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực, trong đó Bộ Y tế chỉ quản lý 43 bệnh viện và phòng khám đa khoa. Còn lại thuộc quản lý của các Sở Y tế và các ngành khác. Ngoài ra, còn có 10.757 trạm y tế cấp xã phường.
Có khoảng 93% số bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực là đơn vị công ích, sử dụng ngân sách nhà nước. Với tổng mức ngân sách và số lượng bệnh viện, trạm y tế nêu trên. Có thể thấy, mức chi đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và chi cho đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế nói riêng còn rất thấp.
Cùng với sự thiếu hụt về trang thiết bị khám chữa bệnh. Chất lượng chuyên môn của các bác sỹ hiện tại cũng là điều cần nói.


Hầu hết, các bác sỹ giỏi đều tập trung ở các bệnh viện trung ương và các bệnh viện lớn của các tỉnh thành. Còn tại các bệnh viện tuyến huyện/thị, chất lượng bác sỹ không cao. Phần lớn các bác sỹ ở đây được đào tạo theo hình thức chuyên tu hoặc tại chức.
Thế nên, nhiều vấn đề chuyên môn của bác sỹ đã xảy ra. Chẳng hạn như bệnh nhân mổ xoang như lại tử vong vì… u não, phẫu thuật khắc phục thoát vị bẹn nhưng lại cắt nhầm gần hết bàng quang, chẩn đoán bé gái 13 tuổi có bầu hơn 4 tháng là bị viêm đại tràng và viêm họng,… Thậm chí, một vị phó giám đốc bệnh viện còn phát ngôn: “Số bệnh nhân chết khi tôi điều trị đến vài chục người!”.
Rõ ràng, với sự thiếu hụt về trang thiết bị khám chữa bệnh và chất lượng chuyên môn của các bác sỹ như câu nói của một vị phó giám đốc bệnh viện “đào tạo bác sỹ tại chức nên trình độ hạn chế” thì không thể tránh khỏi xảy ra những sự cố chuyên môn.
Nên chăng, cần nhìn nhận lại thực tế của công tác đầu tư hạ tầng bệnh viện lẫn công tác đào tạo bác sỹ trong thời gian qua. Và vấn đề này, không tự thân các bác sỹ có thể giải quyết được.

Bệnh nhân
Không thể không đề cập đến vấn đề bệnh nhân trong công tác khám chữa bệnh. Do đời sống còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết người dân ít quan tâm đến việc phòng ngừa bệnh tật. Khi đã phát hiện bệnh và đến bệnh viện, hầu như bệnh đã ở mức nghiêm trọng.
Đồng thời, ý thức người dân trong khám chữa bệnh là ỷ lại cho bác sỹ và bệnh viện, mà thiếu sự hiểu biết lẫn không chia sẻ với những khó khăn của các bác sỹ.


Đơn cử vụ việc sản phụ tử vong ở bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa nêu trên. Mặc dù người đã chết và không muốn khoét sâu vào nỗi đau của gia đình họ. Nhưng có thể thấy, sự thiếu hiểu biết và những mong muốn rất lạc hậu của họ đã dẫn đến sự việc đau lòng.
Báo chí giật tít lời nói của chồng sản phụ “Giá như đưa phong bì thì có lẽ Xuân (tên sản phụ) sẽ không chết”. Điều này gần như đổ mọi trách nhiệm cho bác sỹ, mặc dù chưa có kết luận điều tra của cơ quan chuyên môn.
Trong khi đó, báo chí cũng dẫn lời của người chồng này là “Nhà nghèo, ngày ngày lo chẳng đủ miếng ăn nên khi Xuân sinh chẳng có đồng nào trong túi” và đáng lẽ phải ở bên vợ để lo lắng việc sinh nở thì người chồng “rốn mãi mới được con trai nên tôi mừng lắm, chọn mãi mới được mấy bộ đồ đẹp để mặc cho cháu”.
Một gia đình đã có 2 con, vợ đã 40 tuổi (độ tuổi mà ngành Y tế khuyến cáo không nên sinh con), lại còn nghèo đói mà cố sinh thêm để có con trai, thì rõ ràng không thể nói là thông cảm với họ được.
Không nhận thức được sự nguy hiểm có thể xảy ra đối với sản phụ đã cao tuổi. Biết được vấn nạn “phong bì” trong bệnh viện. Thế nhưng người chồng đã làm gì? Đáng ra phải túc trực bên vợ, đáng ra phải “lo lót” phong bì cho bác sỹ theo xu thế chung của xã hội, thì anh ta lại lo đi mua quần áo đẹp cho con. Sự việc đã xảy ra, ai mới là người đánh trách?
Một vấn đề cũng cần nói là do không tin tưởng vào đội ngũ bác sỹ ở bệnh viện tuyến dưới. Hầu hết bệnh nhân đều “chạy chọt” để được chữa bệnh ở tuyến bệnh viện trung ương. Mặc dù có những bệnh tật chưa đến mức nguy hiểm. Điều này đã dẫn đến tiêu cực trong ngành y tế lẫn gây ra hiện tượng quá tải trong các bệnh viện tuyến trên.

Trách nhiệm của “tư lệnh ngành”?
Lâu nay trên nghị trường, các đại biểu Quốc hội vẫn chất vấn các thành viên Chính phủ về những hạn chế trong công tác quản lý của các Bộ trưởng với vai trò “tư lệnh ngành”. Điều này không phải không có cơ sở, vì vai trò của người lãnh đạo cao nhất trong việc quản lý, điều hành rất quan trọng đối với sự phát triển hay suy thoái của một lĩnh vực, một nghành.
Trong một bài viết gần đây trên BBC, tác giả Nguyễn Quảng đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh viện quá tải. Tất cả các nguyên nhân tập trung vào các vấn nạn xã hội do người dân gây ra và do ngân sách dành cho y tế ít. Tác giả kết luận rằng, Bộ Y tế chỉ là “nơi hứng chịu mọi hậu quả của một xã hội trả quá ít tiền cho y tế và phát triển kém bền vững” và có thay Bộ trưởng cũng không giải quyết được vấn đề.
Người viết đồng tình với các nguyên nhân mà tác giả Nguyễn Quảng nêu, nhưng không đồng tình về việc bỏ qua vai trò của Bộ trưởng trong các vấn nạn của ngành Y tế thời gian qua.
Có thể thấy, sự suy thoái y đức lẫn những yếu kém của ngành Y tế đã tồn tại trong 2 nhiệm kỳ bộ trưởng trước. Và “bùng nổ” một cách không kìm hãm được ở nhiệm kỳ hiện tại.


Những vụ tiêu cực nổi cộm trong ngành Y tế gần đây như vụ tiêm vắc-xin khiến trẻ em tử vong ở Quảng Trị, vụ nhân bản xét nghiệm máu ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức, vụ tráo thủy tinh thể ở bệnh viện mắt Hà Nội, vụ tham nhũng tại bệnh viện Nội tiết TW,… cũng như hàng trăm vụ việc tiêu cực khác ở các bệnh viện từ trung ương đến địa phương vẫn đang xảy ra.
Những vụ việc liên quan đến chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ trong khám chữa bệnh vẫn xảy ra hàng tuần, hàng ngày. Những bệnh nhân bị tử vong tại các bệnh viện và những vụ tự phát hành xử của dân do bức xúc vì cho rằng bệnh viện và bác sỹ thiếu trách nhiệm ngày một gia tăng.
Những tiêu cực như tệ nạn phong bì cho y bác sỹ, kê tăng đơn thuốc để ăn hoa hồng, bán giấy chứng nhận sức khỏe,… vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại các bệnh viện.
Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội với mức “tín nhiệm thấp rất cao và tín nhiệm cao rất thấp” lẫn những phát ngôn mang tính “hài hước”, thậm chí “phản cảm” trong thời gian qua đã cho thấy vai trò và năng lực rất “mờ nhạt” của bộ trưởng Y tế đương nhiệm. Thậm chí, lần đầu tiên một vị bộ trưởng bị người dân lập diễn đàn và lấy chữ ký đòi bộ trưởng từ chức!
Lẽ nào, bộ trưởng đứng ngoài những tiêu cực, những yếu kém trong ngành Y tế? Lẽ nào, bộ trưởng không có trách nhiệm gì vì cho rằng những vấn đề nêu trên đã có từ thời bộ trưởng tiền nhiệm lẫn nguyên nhân từ người dân và các vấn nạn của xã hội?

Cần có góc nhìn khách quan
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, vẫn còn quá nhiều bất cập trong ngành Y tế. Những tiêu cực và yếu kém nêu trên chỉ là những sự vụ cụ thể đã xảy ra. Hàng ngày, hàng tuần vẫn có thêm những vụ việc đau lòng tương tự đối với cả bệnh nhân và xã hội.


Rõ ràng, đang có một sự bất cập và yếu kém trong hoạt động của ngành Y tế. Cho dù các nguyên nhân đến từ chuyên môn và hạ tầng của bệnh viện, hoặc khách quan từ người bệnh,… Nhưng không thể không nói đến sự quản lý nhà nước của ngành Y tế, mà đứng đầu và chịu trách nhiệm là bộ trưởng.
Dẫu biết, vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ các bác sỹ thiếu chuyên môn, suy thoái về y đức,… dẫn đến những hậu quả đáng tiếc trong quá trình khám chữa bệnh. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều các bác sỹ giỏi về chuyên môn, tận tụy với bệnh nhân đúng như danh hiệu “từ mẫu” mà người dân vinh danh họ.
Ngoài ra, cũng phải nói đến những sự cố về chuyên môn và rủi ro nghề nghiệp. Với một nghề đặc thù liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người. Những sự cố và rủi ro là không tránh khỏi.
Vì vậy, cần có góc nhìn khách quan hơn, đầy đủ hơn về những nguyên nhân có thể dẫn đến những rủi ro và sự cố nghề nghiệp của bác sỹ. Đồng thời, không thể không nói đến trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành Y tế và vai trò của “tư lệnh ngành”.
Và, có nên đổ hết trách nhiệm lên đầu bác sỹ?

© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!