Saturday, February 22, 2014

Café sáng thứ 7 (#24): Thói suy diễn và suy thoái đạo đức xã hội


1. Sự kiện “hót” nhất trong tuần chắc chắn là sự ra đi của tướng Ngọ. Từ báo chí lề phải đến lề trái, từ trang lá cải lá ngón đến cờ-lốc phây-búc cá nhân, từ quán nước vỉa hè đến bàn tiệc cao cấp, từ trẻ trâu mắt xanh tóc đỏ đến trí thức đầu hói tóc bạc, từ bừn-lông quen lội bùn đến con buôn chuyên bán lận,… Thế mới nói, bảo cần lao An-nam không quan tâm đến chính chị trính em nhẽ sai quá.
Sẽ không xảy ra sự quan tâm quá thái của cần lao nếu không phải liên quan đến lời khai của anh Dũng (Dương Chí) về một “ông anh” liên quan đến một trong mười đại án kinh tế là Vinalines.
Mặc dù báo chí chính thống đã nêu rõ nguyên nhân ra đi của tướng Ngọ. Nhưng cần lao An-nam đoán già đoán non về cái chết được coi là “bất ngờ” này. Những kịch bản, giả thuyết, tình huống về sự ra đi này được suy diễn ở mức tối đa khả năng tưởng tượng, không kém gì tiểu thuyết gia biên chuyện trinh thám.
Đúng là trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông. Chưa kể báo chí lá ngón giật tít câu vìu. Cần lao hóng hớt buôn dưa lê, từ chuyện nhỏ như con thỏ qua vài mồm đã to bằng con voi, thật đáng sợ.
Chuyện nhà người ta, tôi chả liên quan mà bênh với vực. Nhưng thực sự thấy ghê sợ cái kiểu a dua bầy đàn thiếu sự suy xét bằng chí lý của cần lao xứ này.
Mới nói, An-nam man di mọi rợ chả oan mấy.


2. Dư luận lại sôi sùng sục khi clip thầy trò uýnh nhau trong giờ học ở Bình Định.
Thầy thiếu bản lĩnh, thậm chí là thiếu tư cách nên mới tát bôm bốp vào mặt học trò. Trò côn đồ vô giáo dục nên co chân lên gối uýnh lại thầy. Giá trị đạo đức xã hội, quan hệ thầy-trò trong môi trường giáo dục bị đảo lộn tùng phèo.
Cần lao hừng hực chém gió, mọi nguyên nhân đổ hết vào đầu anh thầy, bênh vực cậu trò bật lại là đúng. Thậm chí, có gã dân viết lách còn cho rằng đó là bản năng tự vệ, giống như loài chó. Tầm suy nghĩ cực đoan, tư duy ấu trĩ, kiến thức dốt nát như thế mà cầm bút, nguy lắm thay.
Lâu nay, vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp đã nói quá nhiều. Từ diễn đàn của nghị trường đến thảo luận trong giáo dục. Báo chí không ngày nào không có tin cướp hiếp giết. Mà đâu có phải chỉ là chuyện người ngoài không thân không thích. Nào là bố con anh em chém nhau vì vài mét đất, nào là cháu giết bà để lấy mấy trăm nghìn chơi game, nào là bố xâm hại con đẻ vì vợ không cho gần gũi.
Người ta nói, gần mực thì đen. Báo chí lá ngón chính là nơi tiếp tay cho việc tuyên truyền tệ nạn. Người tốt việc tốt thì không mấy được cổ súy, cho là việc bình thường. Nhưng điều xấu thì giật tít câu vìu, bày đặt quan điểm phi đạo đức làm đảo lộn giá trị xã hội.
Giáo dục, ngoài việc truyền đạt cho con người kiến thức, còn dạy cho con người những giá trị đạo đức, lễ nghĩa, đạo lý trong mối quan hệ giữa người với người. Khi xu hướng xã hội đi ngược với những giá trị nói trên, cổ súy cho những hành vi bản năng như loài vật đồng nghĩa với việc xã hội đó đi ngược lại thế giới văn minh.
Sự văn minh của An-nam vẫn đang là một điều rất xa xỉ.


3. Lại dư luận xã hội lên án mạnh mẽ việc Trường TC Luật Đồng Hới “bắt” học viên đứng dưới trời rét vẫy cờ đón Thứ trưởng Bộ Tư pháp vào thăm.
Vẫn sự a dua bầy đàn thiếu lý trí, mọi tội vạ đổ lên đầu bà thứ trưởng. Có lẽ không chịu được dư luận và kém cỏi về kỹ năng chính trị như bao chính trị gia khác của xứ An-nam, bà này phát biểu vài câu rất thật nhưng thiếu sự sắc sảo để xoa dịu cần lao. Thế là mũi dùi dư luận lại xoáy vào bà ta một cách không thương tiếc.
Việc chào đón quan chức là việc rất bình thường, không chỉ riêng gì xứ An-nam mà các quốc gia văn minh cũng thế. Nhưng cách thức chào đón như thế nào lại là việc khác.
Rõ ràng, để xảy ra trường hợp trên là do lãnh đạo của trường trung cấp nọ muốn “nịnh” lãnh đạo như trò “nịnh thối” của xứ An-nam lâu nay, và chả riêng gì mỗi trường này. Khốn nỗi sự việc lại xảy ra trong ngày giá rét, nếu không chả có chuyện gì xảy ra. Thêm nữa, nếu bà thứ trưởng này có sự nhạy bén của một chính trị gia thì đã không phải gánh chịu búa rìu của dư luận.
Điều đáng nói là một bộ phận không nhỏ các “lều báo” lá ngón xứ An-nam đã đẩy sự việc nêu trên thành cao trào, hướng dư luận xã hội vào việc rỉa mói cá nhân mà quên đi những hậu quả về xã hội. Đây chính là sự quá trớn về dân chủ đối việc tự do báo chí trong “khuôn khổ”.
Những vấn đề lớn, liên quan đến sự phát triển và vận mệnh đất nước thì hời hợt đưa tin. Những việc làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo và tạo ra dư luận xấu trong xã hội thì ào ào la liếm.
Bi kịch về truyền thông của An-nam là vậy.


4. Một xã hội văn minh và hiện đại khi những thành viên trong xã hội đó xác lập được trách nhiệm và nghĩa vụ công dân một cách đầy đủ và nghiêm túc.
Một xã hội văn minh và hiện đại là khi những giá trị đạo đức xã hội, những lễ nghĩa và đạo lý giữa người với người được giữ gìn, duy trì và tôn vinh.
Một xã hội văn minh và hiện đại là khi những định kiến, soi mói cá nhân bị dẹp bỏ và thay bằng sự tôn trọng những nguyện vọng của những người đang xây dựng niềm tin.
An-nam, đang đứng ở đâu trên bản đồ văn minh thế giới???

© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!