Thursday, November 21, 2013

Tai nạn giao thông - Nguyên nhân từ đâu?


BBC Việt ngữ: Báo cáo tổng kết của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy năm 2012 cả nước xảy ra 36.376 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 9.838 người, bị thương 38.060 người.
Tính trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có gần 100 vụ TNGT và làm chết 27 người. Trong 6 tháng đầu năm 2013, số người chết do TNGT là 4.913 người, nghĩa là số người chết do TNGT không có chiều hướng giảm.
Có thể thấy, TNGT là một sự kinh hoàng của xã hội nói chung và những người tham gia giao thông nói riêng. Bài viết sẽ đề cập đến những nhóm nguyên nhân gây ra TNGT ở Việt Nam.

Số lượng phương tiện giao thông cá nhân đường bộ quá nhiều
Ai cũng biết phần lớn các vụ TNGT là từ hoạt động giao thông đường bộ.
Có thể thấy trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đô thị luôn nườm nượp các phương tiện giao thông đường bộ, bao gồm các loại hình ô tô và xe máy chuyên chở người và hàng hóa.
Xe máy là phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu của người Việt. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện tại Việt Nam có trên 37 triệu xe máy và gần 2 triệu ô tô các loại. Tính trung bình, có tới 1,7 xe máy/hộ gia đình (04 người). Có lẽ, không có một quốc gia nào trên thế giới có tỷ lệ xe máy trên đầu dân lớn đến thế.
Mặc dù luôn được đầu tư xây dựng mới lẫn cải tạo nâng cấp nhưng hạ tầng giao thông đường bộ vẫn không đáp ứng được mức độ tăng trưởng quá nhanh của xe máy, đặc biệt khu vực đô thị.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng xe máy đã vượt quá số liệu quy hoạch đến năm 2020 (36 triệu xe máy).
Và dĩ nhiên, TNGT luôn tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng phương tiện khi mà hạ tầng giao thông và vấn đề đảm bảo an toàn giao thông chưa đáp ứng được sự phát triển đó.

Hạ tầng không đảm bảo an toàn
Rõ ràng, sự gia tăng phương tiện dẫn đến sự gia tăng số vụ TNGT liên quan chặt chẽ đến chất lượng hạ tầng giao thông. Sự phát triển quá mạnh mẽ của phương tiện giao thông cá nhân đã khiến đường sá trở nên chật hẹp.
Chất lượng các công trình hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Một phần do quá tải, một phần do công trình kém chất lượng, một phần do sự chắp vá trong quá trình sửa chữa, nâng cấp.
Tình trạng sụn lún, sạt lở, bong nứt mặt đường thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường có số lượng phương tiện giao thông lớn.
Bên cạnh đó, việc người dân có thói quen lấn chiếm vỉa hè, sử dụng mặt đường làm nơi buôn bán, kinh doanh dẫn đến lòng đường trở nên chật hẹp và che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông.
Khi những người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, chen lấn lẫn nhau trong điều kiện lòng đường chật hẹp, mặt đường không đảm an toàn, bị hạn chế tầm nhìn thì tai nạn xảy ra là điều không tránh khỏi.

Văn hóa tham gia giao thông quá kém
Ý thức xã hội nói chung và ý thức tham gia giao thông của người Việt rất thấp so với xã hội văn minh. Điều này đã được các phương tiện truyền thông khai thác và phê phán lâu nay.
Hình ảnh những ngã ba, ngã tư luôn chật cứng ô tô, xe máy chậm chạp di chuyển không hàng, không lối trong những giờ cao điểm, những khuôn mặt cáu gắt, mệt mỏi, những tiếng còi xe inh ỏi lẫn khói bụi mù mịt là chuyện xảy ra hàng ngày tại các đô thị lớn.
Văn hóa chen lấn, không ai chịu nhường ai chính là nguyên nhân gây ra ách tắc giao thông.
Bên cạnh đó, tình trạng vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, chạy lấn tuyến, vượt đường... là một điều gì đó quá đỗi bình thường trong văn hóa giao thông xứ Việt.
Hầu như những người đi xe máy không có khái niệm nhường đường, kể cả cho người đi bộ.
Nhìn những cháu học sinh, những người già vất vả tránh từng chiếc xe lao vun vút để sang đường, mặc dù họ đi trên vạch dành cho người đi bộ lẫn những nơi có biển hạn chế tốc độ như cổng trường học, bệnh viện... mới thấy ý thức và sự văn minh khi tham gia giao thông của người Việt quá thấp.
Khi luồng giao thông quá dày đặc trong những giao cắt đồng mức, và những người vượt đèn đỏ, lấn làn, vượt tuyến có tốc độ di chuyển khá cao thì sự va chạm dẫn đến TNGT là hậu quả tất yếu.

Uống rượu bia khi tham gia giao thông
Những người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia là nguyên nhân gây ra TNGT nghiêm trọng nhiều nhất.
Thống kê cho thấy phần lớn các vụ tử vong do TNGT có nguyên nhân từ rượu bia. Những ngày nghỉ, ngày lễ, tỷ lệ tử vong vì TNGT luôn cao hơn những ngày bình thường.
Người Việt có thói quen uống rượu bia bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu. Một thói quen rất xấu và rất kém văn minh. Các nhà hàng, quán nhậu mở bán từ sáng đến tối. Kể cả thời điểm kinh tế suy thoái, phải thắt lưng buộc bụng như hiện nay, mà các quán nhậu vẫn luôn đông khách.
Hầu hết những người sau khi uống rượu bia, nếu phải di chuyển thì đều điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng thiếu tỉnh táo, mặc dù ai cũng nhận thức được rằng điều này rất nguy hiểm và rất dễ gây ra TNGT.
Nhìn những người mặt đỏ bừng vì hơi men đi xe máy, ô tô với tốc độ kinh hoàng trong dòng người đông đúc mới thấy sự nguy hiểm. Bởi vì, họ không còn đủ tỉnh táo để làm chủ tốc độ lẫn xử lý tình huống khi có chướng ngại vật. Và dĩ nhiên, TNGT xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Độ an toàn của phương tiện quá thấp
Ngoài ô tô phải đăng kiểm định kỳ, tất cả các loại xe máy đều không được kiểm tra an toàn trong quá trình vận hành.
Tuy nhiên, kể cả ô tô, các TNGT xảy ra do lỗi kỹ thuật trong thời gian qua cho thấy công tác đăng kiểm chưa thực sự nghiêm túc. Có thể dễ dàng gặp trên đường những phương tiện cơ giới đường bộ có tuổi thọ vài chục năm.
Sự gia tăng mạnh mẽ số lượng xe máy ở Việt Nam chủ yếu là do xe máy giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc được lắp ráp ở Việt Nam. Những chiếc xe mà giá trị chỉ bằng 1/3 giá trị của một chiếc xe máy thông thường của các hãng sản xuất truyền thống như Honda, Yamaha hay Suzuki.
Chưa có một nghiên cứu chính thức nào về mức độ an toàn của các loại xe máy giá rẻ ở Việt Nam mặc dù những tiềm ẩn gây tai nạn của các loại hình phương tiện này là quá rõ ràng.
Nhìn những chiếc xe máy kêu sòng sọc vì ốc vít không chắc chắn, không có đèn hậu lẫn xi-nhan, chở người và hàng hóa lao vùn vụt trên đường khiến người tham gia giao thông nghiêm túc không khỏi ớn lạnh.
Khi di chuyển trên mặt đường xấu, có nhiều rãnh và ổ gà, hoặc khi đi với tốc độ cao và hệ thống phanh kém an toàn, các loại phương tiện này rất hay tự gây tai nạn và đôi khi là nguyên nhân khiến người tham gia giao thông khác gây tai nạn.
Và với kết cấu lỏng lẻo, không an toàn như nói trên, hậu quả của tai nạn sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn.

Thiếu hiểu biết về luật giao thông đường bộ
Mặc dù đã được siết chặt, nhưng công tác đào tạo và cấp bằng lái xe ở Việt Nam vẫn mang nặng tính hình thức, với mục tiêu của người học là có bằng lái xe chứ không phải để hiểu biết luật giao thông đường bộ lẫn kỹ năng lái xe.
Bởi vì hầu hết những người tham gia điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đều không thuộc luật giao thông đường bộ. Thậm chí, những người điều khiển ô tô không chuyên lẫn những người điều khiển xe máy không nhớ hết những biển hiệu giao thông trên đường.
Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng mua bán bằng lái xe, thậm chí làm giả bằng lái xe. Điều này cho thấy, việc sở hữu bằng lái xe chỉ là hợp pháp hóa quyền được điều khiển phương tiện cơ giới để đối phó với cảnh sát giao thông mà thôi.
Chính vì không hiểu biết luật giao thông đường bộ nên phần lớn người điều khiển phương tiện giao thông rất sợ gặp cảnh sát giao thông. Chính vì sự sợ hãi khiến cho họ tìm cách né tránh, hay vô thức bỏ chạy khi bị cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng phương tiện.
Và trong trạng thái tâm lý bất an lẫn phải di chuyển với tốc độ cao, đôi khi do cảnh sát giao thông truy đuổi. Họ đã không làm chủ được phương tiện và gây ra tai nạn.

Nạn tham nhũng của cảnh sát giao thông
Theo kết quả khảo sát của Thanh tra chính phủ và Ngân hàng thế giới công bố năm 2012, cảnh sát giao thông là ngành được đánh giá có mức độ tham nhũng cao nhất.
Chức năng của cảnh sát giao thông là thực hiện tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm bảo vệ trật tự an toàn giao thông và xử lý các hành vi Vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, có lẽ chức năng xử lý vi phạm được khai thác triệt để trong hoạt động của họ.
Mức phạt do vi phạm giao thông rất cao và cảnh sát giao thông được hưởng một tỷ lệ rất lớn, lên đến 70% tổng mức phạt, nhưng có lẽ lượng kinh phí này không thấm tháp gì so với số tiền tham nhũng được.
Người điều khiển phương tiện cơ giới, có thể rất ”ghét” cảnh sát giao thông, nhưng sẵn sàng hối lộ với mức tiền thấp hơn mức phạt và để rồi sẽ không bị giữ phương tiện hay giữ bằng lái xe. Điều này dẫn đến các chủ phương tiện xem thường quy định, phóng nhanh, vượt ẩu,... dẫn đến TNGT như đã nêu trên.
Bên cạnh đó, việc bảo kê cho các doanh nghiệp vận tải cũng là vấn đề nhức nhối của dư luận.
Những phương tiện vận tải hàng hóa, vật liệu, kể cả vận tải hành khách vượt tải trọng gấp rưỡi, gấp đôi quy định là điều rất bình thường.
Mức độ an toàn đối với các phương tiện này rất thấp, và khi gây tai nạn thường có hậu quả rất nghiêm trọng. Dĩ nhiên, các phương tiện này không thể tự do hoạt động nếu không có sự bảo kê của cảnh sát giao thông.
Sẽ không có chuyện phóng nhanh vượt ẩu, sẽ không có chuyện chuyên chở quá tải, người tham gia giao thông sẽ có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông nếu cảnh sát giao thông thực hiện chức năng tuần tra, kiểm soát hoạt động giao thông một cách nghiêm túc mang tính cảnh báo và giáo dục cao, cũng như không đồng lõa với hành vi hối lộ của người vi phạm. Và nếu điều này được thực hiện tốt, thì các TNGT sẽ được hạn chế rõ rệt.
Rõ ràng, TNGT ở Việt Nam khó có thể giảm, khi mà các nhóm nguyên nhân này vẫn tồn tại như một thách thức với những cố gắng giảm thiểu TNGT của các cơ quan chức năng và xã hội. Mặc dù, những thiệt hại về người, tài sản lẫn các hệ lụy của xã hội đang góp phần suy giảm chất lượng sống, kìm hãm sự phát triển và đe dọa sự ổn định của xã hội.

Tác giả: Trường Yên

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!