Wednesday, November 13, 2013

Phía sau sự ấn nút


Baron Trịnh: Năm 2010, Quốc hội đã không thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam do Chính phủ đệ trình. Sau sự kiện này, tôi có viết một bài nhận định về tương lai của dự án ĐSCT.
Cách đây 2 tuần, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa gửi báo cáo trình Bộ GTVT về kết quả nghiên cứu tuyến đường sắt Bắc - Nam do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện. Trong đó có nội dung "Tái đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam".
Những nhận định của tôi cách đây hơn 3 năm, có lẽ đã đúng. Trân trọng giới thiệu lại với bạn đọc.

Báo chí đồng loạt đưa tin Quốc hội không thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam (ĐSCT). Sau buổi biểu quyết chiều thứ 7 (19/6/2010), với 409 đại biểu Quốc hội (82,98% tổng số đại biểu) tham gia biểu quyết, có 157 đại biểu (chiếm 31.85%) tán thành, 170 đại biểu (chiếm 34,48%) không tán thành và 82 đại biểu (chiếm 16,63%) không biểu quyết. Quốc hội đã “bác” dự án ĐSCT do Chính phủ đệ trình trong kỳ họp này.

Những người không tán thành dự án coi đây là một thành công rực rỡ, những bài viết như những bó hoa tươi thắm chúc mừng ngày báo chí Việt Nam.
Lướt qua một số trang báo, có những cái tít rất kêu như “Cú sốc tích cực và cái đà cho niềm tin lớn hơn”, “Quốc hội vượt lên chính mình”, “Quốc hội nói không với dự án ĐSCT”, “Bác đường sắt cao tốc - đúng nguyện vọng cử tri”,… Bên cạnh đó, một số trang mạng, một số “hot blog” cũng đăng những tin trên với thái độ hỉ hả, lạc quan và có một chút gì đó tự mãn.

Tôi là một trong những người phản đối dự án ĐSCT. Phản đối không phải vì dự án không hợp lý, không có lợi ích kinh tế - xã hội. Mà phản đối năng lực, thời điểm và cơ chế quản lý của Chính phủ chưa đáp ứng cho việc đầu tư xây dựng ĐSCT. Cần phải có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng (có thể 10 năm, 20 năm) trước khi thực hiện.
Tuy nhiên, đằng sau việc Quốc hội không thông qua dự án ĐSCT, cũng như sự “hồ hởi” của các đại biểu Quốc hội bên nhóm phản đối dự án và sự “hoan hỉ chiến thắng” của những người quan tâm và ủng hộ nhóm này. Có một điều gì đó rất ngấm ngầm, rất dữ dội nhưng lại âm ỉ và có thể dẫn đến một sự bùng cháy mãnh liệt đốt cháy tất cả sự thành công của những người phản đối dự án ĐSCT.
Hình như đây là một sự tự mãn cá nhân được đẩy đến mức độ cao trào khi chiến thắng một đối thủ, mà không biết rằng sự chiến thắng đấy đã hợp lý chưa(?) đã đúng chưa(?) có phải do sự nhượng bộ khiên cưỡng của đối thủ không? Một kiểu tự mãn không hơn một “anh mù tự phụ”, mới vừa sáng mắt mà cứ tưởng như mình đã biết cả thế giới. Đây chính là một kiểu “thủ dâm tinh thần” rất khó sửa của người Việt. 


Nếu nhìn nhận một cách khác quan và đa chiều, có thể thấy những gì Chính phủ đề xuất cho dự án ĐSCT chưa thực sự hợp lý và thuyết phục. Một "siêu dự án" như vậy nhưng chủ đầu tư thực hiện rất hời hợt, chưa tính toán đầy đủ các phương án về kinh tế - xã hội - môi trường và chọn lựa phương án tối ưu. Những ủng hộ từ Chính phủ và một nhóm đại biểu Quốc hội lại mang tính hô hào, duy ý chí, thậm chí phản cảm. Điều này đã đẩy lên làn sóng phản đối dự án ĐSCT mạnh mẽ và làm khó cho sự quyết tâm của Chính phủ, cũng như ảnh hưởng đến quyết định ấn nút biểu quyết của các đại biểu Quốc hội. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả biểu quyết ngày 19/6/2010.
Nhưng nhìn cách khẳng định và quyết tâm của Chính phủ trước Quốc hội, cũng như đánh giá thông qua một số vấn đề đại sự quốc gia trước đây. Có thể thấy đây chỉ là một bước lùi rất hợp lý của Chính phủ.
Một bước lùi có thể xoa dịu được sự phản đối mạnh mẽ của người dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức, thậm chí còn kích thích thêm một phần sự tự mãn của nhóm người phản đối. Có thể coi đây là một đòn tâm lý rất mềm mại nhưng cực kỳ hiệu quả trong thời điểm này.

Quay ngược lại thời gian để nhìn một số vấn đề được Quốc hội biểu quyết như bỏ phiếu bổ nhiệm Bộ trưởng, sát nhập Hà Nội hay dự án bauxite Tây Nguyên. Khó có thể thấy sự khác biệt trong Quốc hội, mà chỉ có một sự đồng thuận cao độ đối với các vấn đề Chính phủ đệ trình. Điều ai cũng biết, các chương trình của Chính phủ đệ trình trước Quốc hội đều đã được bàn luận và thông qua chủ trương.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ bật mí về việc sẽ có nhiều nhà thầu cho dự án ĐSCT, cũng như chia làm nhiều đoạn nhỏ với các dự án đầu tư riêng rẽ. Vô hình dung, dự án ĐSCT lại lặp lại bước đi của dự án bauxite Tây Nguyên.
Vì thế, việc Quốc hội chưa thông qua dự án ĐSCT trong kỳ họp này không có nghĩa là Quốc hội sẽ không thông qua trong kỳ họp tới, cũng như có thế dự án này bị chia nhỏ để không cần thiết phải thông qua Quốc hội. Có nghĩa là trong một thời gian rất ngắn nữa, dự án này sẽ được khởi động.
Nhìn những lời phát biểu hết sức lạc quan, hồ hởi và pha chút tự mãn của một số người đại diện nhóm phản đối dự án ĐSCT. Không hiểu là họ quá ngây thơ và tin tưởng vào những gì đang diễn ra, hay là họ quá hời hợt và thiển cận trong đánh giá một số vấn đề của Quốc hội và Chính phủ. Xưa nay, chính trị như một màn kịch và chỉ biết cái kết sau khi hạ màn.

Người xưa nói “giòn cười” có lẽ rất đúng với những người đang hỉ hả với quyết định của Quốc hội hôm nay, và có thể trong một thời gian ngắn nữa sẽ chuyển sang trạng thái “tươi khóc” khi niềm tin bị đổ vỡ.
Xứ An-nam, không điều gì là không thể!

© 2010 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!